TRACODI vào top 10 Doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam 2019

Ngày 27/02/2019, công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Công nghiệp và Vận tải (TRACODI – Hose: TCD) được công ty Cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam – Vietnam Report phối hợp cùng Báo VietNamNet công bố lọt vào top 10 Doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam 2019.

Bảng xếp hạng FAST500 được xây dựng dựa trên kết quả nghiên cứu và đánh giá độc lập của Vietnam Report, công bố chính thức lần đầu tiên vào năm 2011. Thứ hạng của các doanh nghiệp trong Bảng xếp hạng được sắp xếp dựa trên tiêu chí tăng trưởng kép (CAGR) về doanh thu và hiệu quả kinh doanh. Bên cạnh đó, các tiêu chí như tổng tài sản, tổng lao động, lợi nhuận sau thuế và uy tín doanh nghiệp trên truyền thông… cũng được sử dụng như yếu tố bổ trợ để xác định quy mô cũng như vị thế của doanh nghiệp trong ngành hoạt động.

Trải qua 9 năm công bố liên tiếp, Bảng xếp hạng ghi dấu những nỗ lực không ngừng nghỉ của doanh nghiệp FAST500 – những doanh nghiệp được ví như “những ngôi sao đang lên”, với vai trò là động lực thúc đẩy tăng trưởng của cả nền kinh tế.

Lễ công bố và tôn vinh chính thức Bảng xếp hạng FAST500 2019 sẽ được tổ chức vào ngày 19 tháng 4 năm 2019 tại Khách sạn Park Hyatt, TP. Hồ Chí Minh.

Thông tin chi tiết về danh sách và thứ hạng của các doanh nghiệp được đăng tải trên website: www.fast500.vn.

Danh sách Top 10 của Bảng xếp hạng FAST500 2019:

Nguồn: Vietnam Report

Trong khuôn khổ công bố Bảng xếp hạng FAST500 2019, Vietnam Report cũng tiến hành khảo sát các doanh nghiệp tăng trưởng trong 9 năm công bố nhằm phác họa bức tranh tăng trưởng toàn cảnh của doanh nghiệp Việt, những yếu tố quan trọng nhất góp phần tạo nên thành công và định hướng hoạt động của doanh nghiệp trong năm 2019.

Giai đoạn 2014-2018: Doanh nghiệp FAST500 tăng trưởng ổn định

Giai đoạn 2014-2018, tốc độ tăng trưởng doanh thu kép CAGR trung bình của Top 500 Doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam (FAST500) đạt 38%.

Xét theo khu vực kinh tế, điểm nổi bật của tăng trưởng trong giai đoạn này là kinh tế tư nhân thể hiện rõ vai trò là nguồn lực tăng trưởng của nền kinh tế với tốc độ tăng trưởng CAGR trung bình đạt lớn nhất, 39,6%, vượt khá xa hai khu vực còn lại. Kinh tế tư nhân cũng chiếm tỷ lệ lớn nhất trong Top 500 Doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam với 81,4% số doanh nghiệp. Bên cạnh đó, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đã có tốc độ ngang bằng với khu vực kinh tế Nhà nước. Điều này là một minh chứng rõ ràng cho hiệu quả thu hút vốn đầu tư nước ngoài của Việt Nam giai đoạn vừa qua.

Hình 1: CAGR trung bình theo khu vực kinh tế của BXH FAST500 2019

Nguồn: Vietnam Report

Xét trên khía cạnh ngành nghề, những năm gần đây, thị trường Việt Nam chứng kiến sự vươn lên mạnh mẽ của ngành Bán lẻ. Trong Bảng xếp hạng FAST500 năm nay, đây cũng chính là ngành có tăng trưởng vượt bậc trong giai đoạn 4 năm từ 2014-2017 với mức tăng 63%, đứng đầu Top 5 ngành có chỉ số tăng trưởng doanh thu kép cao nhất. Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp, Thép, Cơ khí và Viễn thông, tin học, công nghệ thông tin vẫn giữ vững vị thế tăng trưởng với CAGR bình quân ở mức cao trên 44%. Tiếp tục dẫn đầu thị trường với số doanh nghiệp đông nhất toàn bảng năm nay là ngành Xây dựng, Vật liệu xây dựng và Bất động sản – chiếm 30% tổng số doanh nghiệp. Như vậy, có thể nói những con số trên đã phác họa phần nào bức tranh thị trường hiện nay với tiềm năng tăng trưởng đến từ các ngành nổi bật như Bất động sản và Bán lẻ – những lĩnh vực được dự đoán sẽ trở thành “miền đất hứa” thu hút đầu tư mạnh mẽ cho nền kinh tế cả nước.

Hình 2: Top 5 ngành có CAGR trung bình cao nhất của BXH FAST500 2019

Nguồn: Vietnam Report

Qua khảo sát các doanh nghiệp tăng trưởng FAST500, đa số doanh nghiệp tỏ ra lạc quan trước kết quả kinh doanh năm 2018 (85,6% doanh nghiệp đánh giá doanh thu năm 2018 tăng lên so với năm 2017, 64,3% doanh nghiệp nhận định lợi nhuận sau thuế có tăng lên). Với sự lạc quan này, gần 70% doanh nghiệp phản hồi có ý định mở rộng kinh doanh trong giai đoạn tiếp theo.

Trong đó, đánh giá về những yếu tố đóng góp nhiều nhất vào tốc độ tăng trưởng của doanh nghiệp trong giai đoạn 5 năm vừa qua (2014-2018), dẫn đầu là yếu tố Tăng trưởng của thị trường trong nước và khu vực (60,7%), theo sau là sự Mở rộng thị trường hiện có (42,9%) và Cải thiện cơ sở hạ tầng (39,3%). Trong hai năm liên tiếp, nhiều doanh nghiệp FAST500 đều cho rằng chính sự tăng trưởng của thị trường trong nước và khu vực là nguyên nhân chủ yếu tạo đà cho bước tăng trưởng của doanh nghiệp, bên cạnh nỗ lực của doanh nghiệp và việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của Nhà nước.

Hình 3: Top 5 yếu tố đóng góp nhiều nhất vào sự tăng trưởng của doanh nghiệp trong giai đoạn 2014-2018

Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát các doanh nghiệp FAST500, tháng 02/2019
Doanh nghiệp FAST500 nhận diện thách thức và xác định chiến lược năm 2019

Cùng với những dấu mốc “kì tích” về tăng trưởng GDP, thực hiện các chỉ tiêu kinh tế – xã hội và bước tiến dài hơn qua cánh cửa hội nhập quốc tế trong năm 2018, các doanh nghiệp FAST500 cho rằng trong năm 2019, nhiều cơ hội mới sẽ mở ra, đem lại sự lạc quan khá cao về triển vọng tăng trưởng doanh thu năm nay tại thị trường trong nước. Tuy nhiên, kéo theo đó sẽ là nhiều thách thức có thể trở thành trở lực cho sự phát triển doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay.

Cụ thể, Giá cả nguyên vật liệu đầu vào, Chi phí nhân công tăng/ Khó tuyển dụng nhân sự tài năng, Sự trỗi dậy của các đối thủ cạnh tranh cùng ngành đang là ba rào cản lớn nhất của các doanh nghiệp. Trong đó, doanh nghiệp đặc biệt quan tâm đến vấn đề chi phí đầu vào; đây cũng là thách thức trong nhiều năm nay của các doanh nghiệp cùng với vấn đề về cạnh tranh. Mặt khác, nếu trong năm trước thủ tục hành chính là khía cạnh nhiều doanh nghiệp cảm thấy lo ngại, thì nay vấn đề nhân sự đã vươn lên trở thành một thách thức không nhỏ. Điều này cho thấy phần nào hiệu quả từ nỗ lực cải cách thể chế, môi trường kinh doanh của Chính phủ trong thời gian qua, đồng thời cho thấy phần lớn doanh nghiệp đã nhận diện được những thách thức kinh doanh trong giai đoạn tới.

Hình 4: Top 5 thách thức lớn nhất đối với tăng trưởng của doanh nghiệp trong năm 2019

Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát các doanh nghiệp FAST500, tháng 02/2019

Để vượt qua thách thức và đón đầu cơ hội tăng trưởng, nhìn chung, các doanh nghiệp FAST500 đều xác định rõ ràng định hướng chiến lược của mình. Theo đó, ba ưu tiên chính trong chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp trong năm nay lần lượt là Tăng trưởng doanh thu/ lợi nhuận trong các thị trường hiện tại (71,4%), Cắt giảm chi phí (50%) và Tăng năng suất (46,4%). Ngoài ra, Mở rộng sang các thị trường mới, Giới thiệu sản phẩm/ dịch vụ mới… cũng là những định hướng đang được doanh nghiệp quan tâm.

Hình 5: Top 5 ưu tiên về chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp trong năm 2019

Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát các doanh nghiệp FAST500, tháng 02/2019

Đặc biệt, để cải thiện triển vọng tăng trưởng, chất lượng sản phẩm/ dịch vụ với giá thành hợp lí, chất lượng nguồn nhân lực đều là những yếu tố doanh nghiệp xác định cần tập trung hàng đầu. Riêng đối với vấn đề nhân lực, nhiều doanh nghiệp đang lựa chọn giải pháp chiến lược Tự động hóa một số chức năng nhất định trong doanh nghiệp và Đào tạo chung cho lực lượng lao động về cách thức sử dụng dữ liệu nhằm xây dựng lực lượng lao động thích ứng và gia tăng lợi nhuận trong thời đại kĩ thuật số.

Về những ngành có tiềm năng tăng trưởng tốt trong khoảng ba năm tiếp theo, Top 5 ngành được nhiều doanh nghiệp FAST500 đánh giá tiềm năng nhất là: Công nghệ thông tin, Nông nghiệp sạch, Du lịch – Khách sạn, Công nghệ sạch và Bán lẻ. So sánh với đánh giá của nhóm doanh nghiệp trong năm trước, những ngành trên đều rất có triển vọng. Điều này cũng thể hiện đúng theo xu hướng và định hướng phát triển hiện nay của các doanh nghiệp trong nước, đó là hướng đến đẩy mạnh phát triển công nghệ gắn với bảo vệ môi trường, thúc đẩy nông nghiệp sạch và đưa du lịch thành ngành công nghiệp mũi nhọn của đất nước.

Công tác thủ tục hành chính và thuế thu nhập doanh nghiệp – cần không ngừng đẩy mạnh cải cách

Trong nhiều đợt khảo sát các doanh nghiệp FAST500 hàng năm, thủ tục hành chính và thuế TNDN luôn là hai trong những vấn đề gây “đau đầu” cho cả doanh nghiệp lẫn các nhà hoạch định chính sách. Bên cạnh hai kì vọng hàng đầu là Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và Tiếp tục điều chỉnh giảm thuế suất TNDN, Giảm lãi suất tín dụng cũng là chính sách mà các doanh nghiệp mong đợi sẽ có bước tiến triển tích cực trong năm 2019. Đối với doanh nghiệp, đây đều là những khuyến nghị chính sách cần được ưu tiên hàng đầu nhằm hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh và triển vọng tăng trưởng của doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay.

Ngoài ra, kể từ năm 2017, Cải thiện môi trường pháp lý cũng trở thành một trong những chính sách được rất nhiều doanh nghiệp quan tâm. Theo nhiều chuyên gia, việc cải thiện môi trường pháp lý là “chìa khóa” để hỗ trợ doanh nghiệp bước qua cánh cửa hội nhập thành công, đón đầu những cơ hội mà CPTPP và các hiệp định khác có thể mang lại, đồng thời tiếp tục ổn định nền tảng để tiến tới thực hiện mục tiêu tăng trưởng theo định hướng vững bền.

Hình 6: Top 5 khuyến nghị chính sách từ doanh nghiệp nhằm hỗ trợ tốt hơn cho hoạt động SXKD và triển vọng tăng trưởng của doanh nghiệp

Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát các doanh nghiệp FAST500, tháng 02/2019

Có thể nói, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đang trải qua giai đoạn chuyển đổi với nhiều cơ hội và thách thức từ cả trong và ngoài nước. Đó không chỉ là điều kiện thuận lợi nhờ những thành công đã gặt hái được trong bối cảnh kinh tế vĩ mô đang dần cải thiện, mà còn là thử thách đặt ra sau giai đoạn vươn đến mốc “kỉ lục” GDP 7,08% năm 2018. Hơn hết, bước tiến của Việt Nam trên thương trường quốc tế trong thời gian qua đã mang đến một sự cạnh tranh lớn hơn trước rất nhiều. Tuy nhiên, sau áp lực sẽ là động lực, cùng với tầm nhìn dài hạn, sự linh hoạt, nhạy bén trong chiến lược kinh doanh và quyết tâm bứt phá mạnh mẽ được cộng hưởng từ nhiều bên bao gồm doanh nghiệp, Chính phủ và người dân, các doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể kì vọng vào một sự tăng trưởng tiến bộ và lan tỏa rộng khắp, đặc biệt ở cả khối doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Trải qua 9 năm đồng hành cùng các doanh nghiệp tăng trưởng, Ban Tổ chức FAST500 hi vọng sẽ có ngày càng nhiều doanh nghiệp ghi tên vào Bảng xếp hạng Top 500 Doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam trong những năm kế tiếp, qua đó góp phần vào sự phát triển chung của nền kinh tế nước nhà.

Vietnam Report

Nguồn: Vietnamnet.vn