Chứng khoán ở vùng đáy?

Liên tiếp mấy tuần vừa qua, chỉ số chứng khoán trên cả hai sàn liên tục có những phiên lình xình giảm nhẹ. Đóng cửa phiên giao dịch cuối tháng 6 này, VN-Index đạt mức 422,37 điểm; HNX-Index đạt 71,28 điểm. Nếu so với thời điểm này của một tháng trước thì VN-Index và HNX-Index không mất điểm quá nhiều. 

Lình xình

Thị trường chứng khoán gần đây dường như “nghỉ giải lao” sau một thời gian “tăng tốc” hơi quá đà vì hưởng ứng tích cực từ những chính sách, những thông tin tốt của nền kinh tế. Các chuyên gia cho rằng, sau một thời gian dao động quanh vùng đáy, thị trường sẽ khó giảm sâu và xu hướng chung của thị trường trong trung và dài hạn sẽ là đi lên.

Trong liên tiếp mấy tuần vừa qua, chỉ số chứng khoán trên cả hai sàn liên tục có những phiên lình xình giảm nhẹ. Đóng cửa phiên giao dịch cuối tháng 6 này, VN-Index đạt mức 422,37 điểm; HNX-Index đạt 71,28 điểm. Nếu so với thời điểm này của một tháng trước thì VN-Index và HNX-Index không mất điểm quá nhiều. Cụ thể, ở phiên giao dịch cuối cùng của tháng 5 vừa qua, VN-Index đã nằm ở mức 429,2 điểm; HNX-Index ở mức 74,07 điểm.

Tình trạng lình xình “chảy xuôi, rồi chảy ngược” đã diễn ra trong suốt tháng qua. Cùng với đó là khối lượng giao dịch cũng nằm ở mức thấp, với giá trị giao dịch khớp lệnh của cả hai sàn cộng lại cũng chỉ ở mức trung bình chưa đến 1.000 tỷ đồng/phiên. Nhận định tình trạng này, Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Giang – Giám đốc Tư vấn tài chính Công ty cổ phần Thủ Phủ Tre (Bamboo Capital) cho biết, thực tế những tháng đầu năm 2012, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có những phản ứng hơi quá đà bởi tâm lý đám đông đối với những thông tin tích cực của nền kinh tế, từ việc Chính phủ hạ quyết tâm giảm lãi suất, thực hiện nhiều biện pháp để vực dậy nền kinh tế, kiềm chế lạm phát… Chính vì vậy, sau một thời gian sôi động, hứng khởi với những thông tin tốt, nhà đầu tư đã bình tĩnh trở lại và thị trường gần như im lìm. Trên thực tế, những chính sách đặt ra luôn cần phải có thời gian nhất định để đi vào thực tế. Từ nay đến cuối năm, điều cốt lõi của vấn đề sẽ được hiện diện, hoạt động của  các doanh nghiệp sẽ thể hiện dần qua kết quả kinh doanh của quý II và các quý còn lại của năm. “Với lãi suất như hiện nay, chắc chắn sẽ có nhiều doanh nghiệp gặt hái được kết quả kinh doanh tốt. Sẽ tạo được niềm tin cho nhà đầu tư. Còn với những doanh nghiệp quá xấu thì chắc chắn sẽ bị đào thải”, một chuyên gia kinh tế nhận xét.

Sóng sẽ “lăn lăn” theo xu hướng lên

Trả lời báo chí mới đây, TS. Trần Du Lịch – Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, kinh tế đã chạm đáy và chuẩn bị hồi phục. Ông dựa trên một số cơ sở như: tăng trưởng kinh tế quý II ước đạt 4,5%, cao hơn mức 4% của quý I (mức đáy và không thể thấp hơn); chỉ số phát triển doanh nghiệp cũng bắt đầu bớt tiêu cực hơn. Trong tháng 5, số doanh nghiệp phá sản đã bắt đầu giảm khoảng 10% so với tháng 4. Hàng tồn kho của doanh nghiệp cũng có xu hướng giảm dần, từ mức cao 34,9% của tháng 3 xuống lần lượt 32,1% và 29,4% trong tháng 4 và 5. Đến 1/6 chỉ còn khoảng 26,4%. Đặc biệt hơn, lãi suất cho vay đã giảm gần 3% so với tháng trước; nhu cầu tiêu dùng bắt đầu quay trở lại, kích thích sản xuất. Một số yếu tố khách quan như giá dầu thô đã ổn định, kinh tế Mỹ cũng đã khởi sắc và điều đó giúp Việt Nam tăng xuất khẩu, đầu tư.

Tuy nhiên ông Nguyễn Hoàng Giang cũng cho rằng, thật khó để nói rằng từ nay đến cuối năm, nền kinh tế sẽ hoàn toàn tốt lên. Song ông vẫn giữ quan điểm là kinh tế ổn định dần và sẽ không còn có thể xấu hơn được nữa. Theo đó, từ nay đến cuối năm, thị trường chứng khoán dù không có những đợt sóng mạnh, nhưng chắc chắn sẽ có những đợt “sóng sánh” tăng điểm và theo chiều hướng tăng dần, khiến nhà đầu tư ngắn hạn có thể tìm kiếm lợi nhuận. Ông Giang thông tin thêm, gần đây các nhà đầu tư tổ chức, các quỹ đầu tư cũng đã bắt đầu tham gia thị trường dù không ồ ạt như các nhà đầu tư cá nhân. Điều này cũng cho thấy họ đã nhận ra vùng đáy và cần thiết phải giải ngân để chờ cơ hội.

Ông Don Lâm – Tổng giám đốc điều hành VinaCapital cũng cho rằng, thời gian này là giai đoạn khó khăn kéo dài nhất của nền kinh tế Việt Nam mà ông đã từng chứng kiến. Tuy nhiên, nền kinh tế đã nhìn thấy dấu hiệu hồi phục, thông qua chỉ số CPI, lãi suất giảm. Ông tin rằng kinh tế sẽ dần ổn định trở lại khi những biện pháp của Chính phủ dần “bắt nhịp” và khớp với thực tế khó khăn của nền kinh tế hiện tại. Khi đó thị trường chứng khoán sẽ khởi sắc đầu tiên. Đối với ông, với tư cách là nhà đầu tư nước ngoài trong giai đoạn này cơ hội đầu tư mua cổ phần của các doanh nghiệp là rất thuận lợi. Nếu doanh nghiệp nào xấu thì tự động sẽ bị đào thải, còn những doanh nghiệp tốt sẽ rất cần sự hỗ trợ, hợp tác từ các đối tác nước ngoài để phát triển mạnh hơn.