Cần lãi suất tham chiếu để điều chỉnh vay mượn giữa các cá nhân

Tại phiên thảo luận về dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi), các ĐBQH đã thảo luận sâu về lãi suất cho vay dân sự và lãi suất tín dụng trong các ngân hàng. Nhiều ĐBQH cho rằng, dù từ năm 2009 Ngân hàng Nhà nước đã không công bố lãi suất cơ bản, song vẫn cần quy định một loại lãi suất có tính tham chiếu tại dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) để khống chế các quan hệ vay mượn.

Phóng viên Báo ĐBND đã trao đổi với PHÓ CHỦ TỊCH ỦY BAN GIÁM SÁT TÀI CHÍNH QUỐC GIA TRƯƠNG VĂN PHƯỚC về nội dung này.

– Hiện đang có cả quan điểm giữ và không nên giữ quy định về lãi suất cơ bản tại dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi). Quan điểm của ông về vấn đề này?

– Tôi cho rằng, lãi suất cơ bản cần được xem xét lại, do từ khi ra đời khái niệm này đã có rất nhiều cách hiểu khác nhau, gây ra một số quan ngại nhất định. Và cũng phải hiểu ý nghĩa sâu xa của lãi suất cơ bản là nhằm ngăn tình trạng cho vay nặng lãi ở thị trường dân sự, còn hoạt động của thị trường liên ngân hàng phải được điều chỉnh bởi các quan hệ khác, bị chi phối bởi những ràng buộc khác. Tuy nhiên, tại các địa phương trên cả nước xuất hiện các cửa hàng cầm đồ trương biển công khai cầm đồ với lãi suất cho vay 3%/tháng. Điều này cho thấy có vẻ như quy định về lãi suất cơ bản của Bộ luật Dân sự năm 2005 không phù hợp với thực tiễn cuộc sống. Do đó, cần xem xét lại quy phạm này thật nghiêm túc.

– Vậy có nghĩa là các cơ quan chức năng phải tìm ra một cách thức khác để chống lại hình thức cho vay nặng lãi, thưa ông?

– Trong điều kiện đặc thù của nước ta hiện nay sẽ vẫn phải tiếp nối quan điểm bảo vệ trật tự xã hội trong các quan hệ vay mượn. Song cần xem xét cơ sở lý luận và thực tiễn của việc hình thành lãi suất cơ bản. Tôi cho rằng, chỉ nên duy trì lãi suất cho vay bình quân của các tổ chức tín dụng trong một tháng. Dựa vào lãi suất cho vay bình quân này, các bộ luật, luật có thể đưa ra quy định về việc giới hạn lãi suất đối với hoạt động cho vay của cá nhân này với cá nhân khác. Lãi suất này sẽ là cái trần để bảo vệ những người vì điều kiện khách quan, chủ quan chưa thể tiếp cận với vốn vay hay tín dụng ngân hàng. Tất nhiên, phải xem xét tên gọi phù hợp hơn so với tên gọi lãi suất cơ bản đang được áp dụng.

– Khi thảo luận về nội dung này của Bộ luật Dân sự năm 2005 đã có ý kiến cho rằng, thay vì giới hạn lãi suất cho vay không quá 150% so với lãi suất cơ bản, thì hãy nới điều kiện lên đến 200% hay 300%. Nới rộng điều kiện với lãi suất cho vay của các ngân hàng sẽ giúp các quan hệ dân sự tuân thủ nghiêm túc quy định pháp luật, thay vì đặt ra rồi lại để bị vi phạm như hiện nay?

– Nếu điều chỉnh điều kiện cho vay của các ngân hàng lên đến 300% lãi suất cơ bản cũng có nghĩa là cho phép cho vay gấp ba lần so với mức lãi suất tương đối trung bình của các tổ chức tín dụng. Đây là điều vô lý. Chúng ta nhắm đến bảo vệ lợi ích của những người lao động, những người rất khó để tiếp cận tín dụng ngân hàng, mà nay lại tạo điều kiện cho những người có tiền có thể gây khó khăn cho các đối tượng cần bảo vệ. Nếu tiếp cận theo hướng này, tôi cho rằng, phải hạ mức trần cho vay theo Điều 476 Bộ luật Dân sự năm 2005 xuống mức thấp hơn đang được quy định. Bởi tiếp cận như thế có nghĩa chúng ta giúp cho người dân có thể vay mượn trong mối quan hệ dân sự với một lãi suất thấp hơn.

– Nhưng việc hạ mức trần với hoạt động cho vay thấp như ông đề nghị, thì cũng có thể giới hạn khả năng hoạt động của ngân hàng, cũng như khác biệt với cách cho vay cao hơn lãi suất cơ bản nhiều lần đang được các đơn vị này thực hiện?

– Việc chúng ta quy định giới hạn cho vay không quá 150% lãi suất cơ bản là sự suy diễn không thực tế. Chính suy diễn không thực tế này đã gây nhiều khó khăn trong hoạt động của tín dụng ngân hàng. Tôi cho rằng ẩn ý của quy định lãi suất cơ bản là để điều chỉnh những quan hệ vay mượn dân sự giữa các cá nhân với nhau chứ không phải để điều chỉnh cái lãi suất cho vay của ngân hàng thương mại đối với khách hàng. Bộ luật Dân sự (sửa đổi) phải làm rõ đặc điểm này.

Mặt khác, về lý thuyết kinh tế, quan hệ cung cầu của tổ chức tín dụng mới là yếu tố quyết định đến lãi suất cho vay của ngân hàng với cá nhân, chứ không phải là lãi suất cơ bản nhân với một tỷ lệ bao nhiêu. Thực tế, quy định lãi suất cơ bản tại Bộ luật Dân sự năm 2005 đã gặp nhiều khó khăn và không thực hiện được khi áp dụng với hệ thống ngân hàng trong nước.

– Trong bối cảnh như vậy, thì cần những giải pháp nào để các tổ chức tín dụng có thể cho vay theo đúng logic quan hệ cung cầu của thị trường vốn, cũng như giúp người dân không phải chịu cảnh cho vay nặng lãi ở bên ngoài, thưa ông?

– Thực ra chúng ta không dung hòa hai mục tiêu này. Điều cần làm là nêu rõ định hướng của quy phạm điều chỉnh hoạt động vay mượn các cá nhân trong xã hội với nhau dựa trên một lãi suất công bố. Đó có thể là lãi suất bình quân cho vay trong tháng của hệ thống ngân hàng nhân với tỷ lệ tối đa là 120% hay là 130%. Lãi suất này không áp dụng trong quan hệ cho vay, quan hệ tín dụng của hệ thống ngân hàng thương mại với khách hàng của mình.

– Xin cám ơn ông!