(ĐTCK) Trước thềm cuộc họp đại hội cổ đông thường niên năm 2022 diễn ra vào ngày 6/5, Báo Đầu Tư đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Thế Tài - Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bamboo Capital (BCG: HOSE) về những vấn đề đang được nhiều nhà đầu tư quan tâm.
BCG đặt kế hoạch doanh thu 7.250 tỷ và lợi nhuận 2.200 tỷ trong năm nay và lợi nhuận hơn 10.000 tỷ đồng vào năm 2026. Lộ trình tăng trưởng như vậy có phải là quá nhanh, quá “nóng” không, thưa ông?
Nhìn từ phía ngoài, nhiều người có thể nghĩ rằng BCG đang tăng trưởng quá nhanh, tăng trưởng “nóng”. Nhưng là lãnh đạo doanh nghiệp, nhìn rõ tất cả những gì BCG đã và đang làm hơn 10 năm qua, tôi thấy rằng Tập đoàn đang đi trên con đường phát triển bền vững.
Nhìn lại quá trình từ năm 2011 đến 2018, doanh thu và lợi nhuận hàng năm của BCG khá khiêm tốn bởi đây là giai đoạn chúng tôi tích lũy nội lực, nhân sự và xây dựng nền móng cho các mảng hoạt động theo mô hình Tập đoàn đa ngành. Nhờ nền móng vững chắc đó mà từ năm 2019 đến nay BCG luôn tăng trưởng mạnh mẽ.
Kế hoạch doanh thu và lợi nhuận giai đoạn 2022-2026 của Bamboo Capital
Kể cả các năm 2020-2021, trong bối cảnh rất khó khăn do COVID-19 tác động, BCG vẫn tăng trưởng mạnh nhờ hệ sinh thái đa ngành có tính cộng hưởng cao, giữa các mảng có thể hỗ trợ lẫn nhau để cùng phát triển.
BCG đang sở hữu những thế mạnh để phát triển bền vững, đó là danh mục các dự án đầy tiềm năng, mô hình hoạt động tối ưu, sự am hiểu thị trường, năng lực triển khai dự án và khả năng tiếp cận nguồn vốn trong nước cũng như quốc tế. Tôi tin rằng những thế mạnh này sẽ giúp BCG còn tiến xa hơn nữa, nhất là trong bối cảnh Chính phủ đang đưa ra các chính sách thúc đẩy đầu tư công, hạ tầng, năng lượng tái tạo.
Doanh thu và lợi nhuận những năm gần đây của BCG rất ấn tượng, tuy nhiên nợ trái phiếu và nợ phải trả cũng tăng cao qua các năm, ông có thể chia sẻ thêm về điều này?
Gần đây, trên thị trường có nhiều thông tin tiêu cực về công tác phát hành trái phiếu khiến nhiều nhà đầu tư e ngại. Nợ trái phiếu hay nợ vay bản chất không hề xấu, đây là đòn bẩy tài chính hữu ích giúp doanh nghiệp phát triển. Vấn đề là doanh nghiệp sử dụng đòn bẩy tài chính như thế nào và duy trì cơ cấu tài chính hợp lý ra sao.
Dư nợ trái phiếu ngắn hạn và dài hạn của BCG đang khoảng 9.097 tỷ đồng, so những tập đoàn đa ngành cơ cấu tương tự thì nợ trái phiếu của BCG ở mức trung bình.
Tất cả các gói trái phiếu trên do BCG và công ty thành viên phát hành đều tuân thủ quy định pháp luật, được đầu tư vào các dự án cụ thể và có thời gian thu hồi vốn cũng như phương án trả nợ rõ ràng, đảm bảo quyền lợi của trái chủ.
Năm 2021, mặc dù pháp luật không bắt buộc nhưng Bamboo Capital đã chủ động thực hiện xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp và được FiinRatings đánh giá triển vọng tích cực dành cho nhà phát hành.
Tổng nợ phải trả của Tập đoàn tính đến hết quý I/2022 là 30.345 tỷ đồng, vẫn đang ở mức khá cao. Tuy nhiên tốc độ tăng trưởng nợ từ đầu năm 2021 cho tới thời điểm hiện tại là không đáng kể, BCG đã nỗ lực cải thiện cơ cấu tài chính, tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu liên tục giảm từ 7,15 lần tại cuối năm 2020 xuống còn 3,51 lần tại cuối năm 2021. Đến hết quý 1/2022, tỷ lệ này tiếp tục giảm từ 3,51 xuống còn 2,72 lần.
Trong năm 2022, chúng tôi sẽ nỗ lực giảm tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu về dưới 2 và tương lai gần là về dưới 1. Đây sẽ là cơ cấu tài chính lý tưởng giúp BCG phát triển bền vững, đủ sức đương đầu với những biến động lớn trên thị trường.
Theo tờ trình ĐHĐCĐ, năm 2022 BCG sẽ tiếp tục tăng vốn điều lệ lên khoảng 10.000 tỷ đồng và góp vốn 5.000 tỷ vào công ty BCG Financial. Đây là con số không nhỏ, ông có thể giải thích rõ hơn về việc này?
Hiện nay vốn điều lệ của BCG đang khoảng 5.000 tỷ, vốn chủ sở hữu của BCG khoảng 11.000 tỷ đồng. Nếu chỉ xét riêng các dự án đang vận hành hiện nay thì nguồn vốn hiện tại là vừa đủ.
Tuy nhiên, tiềm năng của BCG không chỉ dừng lại ở các dự án hiện tại, công tác huy động vốn là cần thiết để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa những tiềm năng phát triển của Tập đoàn.
Thực hiện tốt việc huy động vốn, BCG sẽ có thêm nguồn lực để tạo ra doanh thu và lợi nhuận cao hơn, tạo ra giá trị lớn hơn cho cổ đông. Đây mới chính là mục tiêu cốt yếu mà chúng tôi muốn hướng tới trong công tác huy động vốn.
Kế hoạch sắp tới của BCG là góp 5.000 tỷ đồng vào BCG Financial nhằm tăng vốn cho Bảo hiểm AAA, đồng thời chuẩn bị nguồn lực cho Bảo hiểm AAA tăng tốc trên thị trường bảo hiểm phi nhân thọ, phát triển thêm các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ nhằm mang về doanh thu đột phá.
Thông qua BCG Financial, BCG cũng sẽ đầu tư thêm mảng fintech của Công ty Bamboo ID để phát triển ứng dụng ngân hàng số; bên cạnh đó, chúng tôi cũng sẽ đầu tư dài hạn vào mảng ngân hàng và M&A các doanh nghiệp trong lĩnh vực tài chính.
Chúng tôi sẽ tận dụng những thế mạnh nội tại, tận dụng kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực tài chính của lãnh đạo BCG và cơ hội từ thị trường để gia tăng lợi thế cạnh tranh, tạo bệ đỡ tài chính hỗ trợ đắc lực cho các công ty thành viên cũng như các khách hàng trong hệ sinh thái BCG.
Chuyển sang mô hình tập đoàn đa ngành, BCG có chiến lược tái cơ cấu các mảng hoạt động cốt lõi như thế nào để giảm thiểu rủi ro, đảm bảo tăng trưởng bền vững?
Đây là một câu hỏi thú vị và cũng là quan ngại của nhiều nhà đầu tư khi nhìn thấy BCG liên tục mở rộng quy mô và “lấn sân” sang các mảng hoạt động khác nhau.
Thực tế là BCG không vươn mình trở thành tập đoàn đa ngành trong ngày một ngày hai mà đã có quá trình chuẩn bị nhiều năm. Chúng tôi tin rằng phát triển đa ngành là chiến lược đúng đắn và đã dành quá trình dài trước đó để chuẩn bị nguồn lực, chuẩn bị đội ngũ vận hành và khả năng quản trị rủi ro để tránh rơi vào “bẫy đa ngành”.
Giữa các mảng hoạt động của BCG đều có sự liên kết, hỗ trợ lẫn nhau, chúng tôi phát triển chủ yếu dựa trên các lĩnh vực lõi mà BCG có sự am hiểu và thế mạnh như năng lượng tái tạo, xây dựng – hạ tầng, bất động sản, sản xuất – thương mại và dịch vụ tài chính bảo hiểm.
BCG đang định hướng tái cấu trúc các công ty thành viên theo mô hình tập đoàn dưới tập đoàn.
Ví dụ như Tracodi được định hướng trở thành tổng thầu xây dựng quy mô lớn, đủ sức đảm nhận các công trình hạ tầng quan trọng, bên dưới Tracodi sẽ là các nhà thầu phụ quy mô nhỏ hơn. Tương tự, với BCG Land, BCG Energy và Nguyễn Hoàng hay BCG Financial cũng vậy.
Tất cả các công ty thành viên của BCG đều đang sở hữu tiềm năng và lợi thế nhất định để phát triển mạnh mẽ và bền vững.
Việc cần làm ở từng công ty, từng mảng hoạt động sẽ rất khác nhau, nhưng chung quy lại vẫn xoay quanh những vấn đề cơ bản.
Đó là xây dựng chiến lược kinh doanh hợp lý, xây dựng đội ngũ nhân sự chất lượng, giải quyết những khó khăn nội tại doanh nghiệp đang vướng mắc (về vốn, nguyên liệu, hay mô hình hoạt động…), nắm bắt cơ hội từ thị trường và quản trị tốt rủi ro.
Chính sách thưởng 5 triệu cổ phiếu ESOP của BCG đang được nhiều cổ đông quan tâm. Ông có thể chia sẻ về kế hoạch này?
Bản chất ESOP là khoản thu nhập trả cho người lao động thông qua cổ phiếu, đây thực ra chính là chi phí lương nhưng được trả từ lợi nhuận sau thuế. Việc chi trả thưởng và lương thông qua ESOP khuyến khích người lao động và lãnh đạo làm việc vì các mục tiêu dài hạn của công ty.
Chúng tôi có thể lựa chọn trả lương cao ngay từ đầu theo giá thị trường hay trích quỹ khen thưởng bằng tiền mặt cho cán bộ nhân viên rồi tính vào chi phí hoạt động của công ty.
Nhưng trong giai đoạn doanh nghiệp đang cần tiết kiệm để đầu tư, chúng tôi đã chọn cách thương lượng với cán bộ công nhân viên chấp nhận một mức lương thấp hơn bằng tiền mặt và nhận một phần cổ phiếu ESOP khi đạt được mục tiêu KPI đã phê duyệt, cổ phiếu ESOP luôn kèm điều kiện là hạn chế chuyển nhượng trong một thời gian nhất định như thông lệ quốc tế. Cách này cũng tạo sự gắn kết của người lao động với doanh nghiệp đồng thời tạo giá trị dài hạn cho cổ đông.
Kết quả kinh doanh 2021 cho thấy BCG đã vượt kế hoạch lợi nhuận sau thuế tới 24% trong một năm đầy khó khăn do dịch bệnh hoành hành. Dù được đại hội đồng cổ đông năm ngoái phê duyệt phương án thưởng đến 10% lợi nhuận sau thuế nhưng HĐQT quyết định chỉ trích thưởng 5% lợi nhuận sau thuế, tức khoảng 50 tỷ đồng cho người lao động.
Hồi năm 2020, BCG cũng vượt kế hoạch lợi nhuận sau thuế đến 44% và được ĐHĐCĐ thông qua phương án thưởng ESOP. Tuy nhiên, khi đó công ty đã quyết định không thực hiện thưởng ESOP nhằm phân phối cổ tức cho cổ đông tốt nhất.
Với lợi nhuận năm 2021 vượt kế hoạch hơn 200 tỷ đồng, thưởng 5 triệu cổ phiếu ESOP cho người lao động lúc này là hợp tình hợp lý, hài hòa lợi ích của người lao động và cổ đông.
Còn về lý do tại sao lại trích thưởng trên lợi nhuận sau thuế chứ không phải trên phần lợi nhuận vượt kế hoạch. Bởi người quản lý và người lao động chính là người tạo ra lợi nhuận sau thuế ấy, đồng thời thông qua sự tăng trưởng của doanh nghiệp và tăng thị giá cổ phiếu mà họ giúp tăng giá trị tài sản cho nhà đầu tư.
Kế hoạch kinh doanh hàng năm của công ty được xây dựng rất thách thức và bị tác động bởi nhiều yếu tố khác nhau, để hoàn thành kế hoạch năm đã rất khó, không phải lúc nào cũng có thể vượt kế hoạch được.
Xây dựng mức thưởng dựa trên lợi nhuận sau thuế là chính sách được các tập đoàn lớn trên thế giới dùng để khuyến khích nhân viên nỗ lực làm việc.
CTCP Bamboo Capital sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 vào ngày 6/5 sắp tới theo hình thức trực tuyến. Những nội dung quan trọng được trình đại hội đồng cổ đông gồm: Kế hoạch kinh doanh 2022; Kế hoạch tăng vốn lên hơn 10.094 tỷ đồng vào cuối năm 2022; Kế hoạch góp vốn 5.000 tỷ đồng vào BCG Financial; Kế hoạch trả cổ tức năm 2021 theo tỷ lệ 5% tiền mặt và 5% cổ phiếu; Phát hành 5 triệu cổ phiếu thưởng ESOP cho người lao động; Đổi tên công ty thành CTCP Tập đoàn Bamboo Capital.
Theo Phong Lan
Đầu Tư Chứng Khoán
Link: https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/ong-nguyen-the-tai-bamboo-capital-can-tang-von-de-tao-ra-gia-tri-lon-hon-cho-co-dong-post296805.html