Bamboo Capital Có Tạo Nên Đột Phá Trước Giờ G?

(BCG) Bất động sản và nhất là năng lượng tái tạo sẽ là nguồn thu lớn và ổn định cho CTCP Bamboo Capital (BCG) trong thời gian tới khi mà loạt dự án đã được bung ra bắt kịp xu hướng thị trường cũng như ưu đãi của Chính phủ.

CTCP Bamboo Capital vừa cho biết, Công ty đang tập trung nguồn lực phát triển các dự án trọng tâm mang tính dài hạn và chiến lược trong lĩnh vực bất động sản và năng lượng tái tạo, vì thế kết quả kinh doanh năm 2018 hiệu suất không cao. Đơn cử như năm qua, Công ty đã đầu tư loạt dự án trọng điểm như khu villa và căn hộ 5 sao Malibu Hội An (Quảng Nam), resort 4 sao Casa Marina (Quy Nhơn), khu đô thị Bình Đức (Bến Lức), villa ven sông King Crown Village và nhà máy điện mặt trời tại Long An, hay dự án dự án BOT đường ĐT 830. Dài hơi hơn, Bamboo Capital cũng sẽ khởi công dự án Cầu Rồng, nhà ở xã hội ở Long An, tòa nhà Prince Court… Đặc biệt, để phát triển tốt các lĩnh vực này, Bamboo Capital đã lựa chọn con đường “đi tắt” là hợp tác với các đối tác nước ngoài chuyên về từng lĩnh vực để rút ngắn thời gian nghiên cứu như Hanwha, Chosun Refractories, Deawon, Woomi Construction….

Bước chuyển mình này đã được các cổ đông Bamboo Capital thông qua tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2018, tức tập trung vào lĩnh vực kinh doanh cốt lõi là hạ tầng, bất động sản và năng lượng tái tạo.

Với đà này, bù lại cho năm 2018, từ năm 2019 Bamboo Capital sẽ được ghi nhận một phần doanh thu và lợi nhuận từ các dự án này với các con số dự kiến lần lượt là hơn 4,000 tỷ đồng và 507 tỷ đồng, đồng thời dần chiếm tỷ trọng lớn trong nguồn thu của năm 2020. Trong đó hai mảng chính yếu là bất động sản và năng lượng tái tạo sẽ chiếm từ 60-90% cơ cấu doanh thu.

Việc mạnh tay đầu tư các dự án đã thể hiện qua báo cáo tài chính khi tổng tài sản của Bamboo Capital tăng thêm gần 2,000 tỷ đồng chỉ trong 1 năm, lên mức hơn 5,336 tỷ đồng vào cuối năm 2018. Đồng thời, trong bối cảnh đầu tư hàng loạt dự án lớn từ hạ tầng BOT, bất động sản đến năng lượng mặt trời, thì việc BCG tăng mạnh vay nợ cũng là điều dễ hiểu.

Các chỉ số tài chính của BCG

Năng lượng tái tạo: Mốc “bùng nổ” sắp tới?

Có thể thấy, ngoài việc đầu tư các dự án bất động sản mang tính thời điểm, Bamboo Capital còn tính con đường dài hơi hơn là năng lượng tái tạo nhằm tạo nguồn thu ổn định trong tương lai. Nhất là trong bối cảnh Chính phủ khuyến khích đầu tư năng lượng tái tạo khi thực tế, thủy điện đã khai thác hết công suất, còn điện than ngày càng ô nhiễm.

Động thái mới nhất gần đây là Bộ Công Thương đã công bố dự thảo về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam để lấy ý kiến các bộ, ngành, đơn vị liên quan. Đây là bước đệm để chuẩn bị cho việc hoàn thiện dự thảo, trình Thủ tướng Chính phủ ký và áp dụng sau tháng 6/2019. Theo đó, giá mua bán điện mặt trời sẽ được tính theo các vùng bức xạ và các loại hình khác nhau của từng dự án như điện mặt trời nổi, điện mặt trời mặt đất, điện mặt trời tích hợp hệ thống lưu trữ, điện mặt trời mái nhà. Trong đó, giá mua điện mặt trời cao nhất là 2,486 đồng/kWh (tương đương 10.87 US cent/kWh) và thấp nhất ở mức giá 1,525 đồng/kWh (tương đương 6.67 US cent/kWh). Điều này khiến nhiều nhà đầu tư quan ngại khi mức giá của nhiệt điện than cao hơn mức thấp nhất của điện mặt trời, hiện khoảng 7 US cent/kWh, lại khá đi ngược với việc khuyến khích ưu đãi đầu tư năng lượng tái tạo đã được công bố.

Trước đó, ngay khi có cơ chế giá điện mặt trời và gió đã có rất nhiều doanh nghiệp đầu tư các dự án quy mô lớn. Số liệu hết tháng 9/2018, đã có 121 dự án được phê duyệt bổ sung vào quy hoạch điện quốc gia và cấp tỉnh với tổng công suất phát điện đến 2020 là 6,100 MW và 2030 là 7,200 MW. Ngoài ra, còn 221 dự án đang xếp hàng chờ phê duyệt, công suất đăng ký hơn 13,000 MW.

Nhưng để thành công trong việc phát triển các dự án năng lượng tái tạo phải tùy theo hướng tiếp cận của mỗi đơn vị. Trong đó, Bamboo Capital là đơn vị cho thấy sự năng động của mình trong hoạt động đầu tư với đầy đủ các loại hình từ điện mặt trời mặt đất, áp mái, bên hồ và thậm chí cả điện gió.

Theo tiết lộ của Bamboo Capital, tháng 5 này Công ty sẽ bắt đầu đưa vào hoạt động dự án điện mặt trời 40.6 MW (vốn đầu tư 1,100 tỷ đồng) tại Thạnh Hóa, Long An, hiện đã ký hợp đồng mua bán điện với EVN. Cùng hệ thống điện mặt trời mặt đất này, Bamboo Capital cũng đang giải phóng mặt bằng cho dự án GAIA 100.5 MW và chờ phê duyệt dự án Hoa Hướng Dương 50 MW cùng tại Thạnh Hóa.

Về năng lượng mặt trời áp mái, những ngày đầu năm 2019, Bamboo Capital đã khánh thành hệ thống năng lượng mặt trời áp mái Dinsen; sau 50 ngày hoạt động sản xuất ra 210 MW điện. Đây là dự án đầu tiên do Skylight thực hiện trong tổng số 6.4 MW dự tính sẽ hoàn thành trên mái nhà các nhà máy Dinsen tại Việt Nam và Campuchia từ này cho đến tháng 10/2019.

Đối với năng lượng mặt trời trên hồ, Bamboo Capital cũng đang chờ phê duyệt các dự án tại khu vực miền Trung với tổng công suất 450MW.Theo chia sẻ của lãnh đạo Bamboo Capital, dự án điện mặt trời triển khai trên mặt hồ thực tế sẽ độn chi phí lên 20% so với việc đầu tư trên mặt đất, đổi lại hiệu suất thu về cũng tương ứng cao hơn 10-15%.

Ngoài ra, Công ty cũng đang rục rịch chuẩn bị công tác xin phép đầu tư hai dự án điện gió tại Long An và Sóc Trăng. Bởi điện gió cũng có mức giá ưu đãi tương đương 9.8 US cent/kWh áp dụng với các dự án vận hành trước tháng 11/2021.

Tất nhiên để đạt được kết quả mĩ mãn, doanh nghiệp sẽ phải cật lực suy tính nhiều vấn đề, nhất là cân đối nguồn vốn, chi phí để tạo hiệu suất đầu tư tốt nhất khi mà giá bán điện không được cào bằng mà phụ thuộc nhiều vào vùng miền. Dù vậy, với xu hướng trên thế giới thì đây vẫn là “miếng bánh ngon” cho các doanh nghiệp đầu tàu, đơn cử như Bamboo Capital.